Phát huy tiếng Việt Truyền Thống
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.
Phát huy tiếng Việt Truyền Thống

Đón nhận tất cả mọi nhắc nhở, cùng nhau giữ gìn, chấn hưng tiếng Việt. Nhắc nhở nhau về cách sử dụng chữ sai lệch, tối nghĩa, nghèo nàn, lai căng tùy tiện
 
HomeHome  Latest imagesLatest images  SearchSearch  RegisterRegister  Log in  

 

 Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang

Go down 
AuthorMessage
Admin
Admin



Posts : 178
Join date : 2019-02-13

Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang Empty
PostSubject: Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang   Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang EmptyWed Feb 20, 2019 11:08 am

Người Em Nuôi

(Phần I)

Lời mở đầu:

Thân chào tất cả các bạn!
Câu truyện của tôi dưới đây, được viết dựa theo một người em nuôi có thật ngoài đời của tôi. Tuy nhiên những lời đối đáp, cũng như tên tuổi của các nhân vật trong truyện, thì tôi đã thay đổi cho thêm phần vui nhộn. Tuy em nuôi của tôi có hơi ngáo thât ở ngoài đời, nhưng không đến độ như tôi đã diễn tả trong phần truyện bên dưới.

Phần vào truyện:

Ông nội tôi ngày xưa nguyên thủy ở bên Tàu. Ông đã ở trong một vùng thật xa xôi, hẻo lánh. Một nơi mà muốn đi ra phố, cần phải mất cả một ngày đường! Một cái chỗ mà bọn cộng sản Tàu vẫn thường hay đến vì nơi đó là nơi an toàn cho chúng, bởi rất xa thành phố. Cộng thêm nơi đó, đa số người dân vẫn hãy còn ngáo ộp, nên rất dễ bị chúng dụ dỗ (như mấy cô gái dưới quê lên Sài Gòn dễ bị người ta dụ khị vậy đó), và điểm chính sau cùng là quân đội của tổng thống Tưởng Giới Thạch, ít khi nào đi hành quân ngang qua nơi đây, bởi vì nơi nầy chỉ là một vùng khỉ ho cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối thì đâu có gì để mà chấm mút đây. Nếu quân đội Tưởng Giới Thạch mà ghé ngang qua, thì chỉ có nước đói mà thôi, nên dại gì mà ghé qua chi cho khổ!
Cũng vì do ở một nơi mà tụi cộng sản Tàu thường hay về thăm, đã khiến ông nội tôi lo xa, vì sợ rằng ba tôi một ngày đẹp trời nào đó, sẽ bị bọn Tàu cộng dụ dỗ (y như bây giờ mình sợ con gái mình bị dụ dỗ vậy đó) gia nhập đảng cộng sản. Ông tôi đã phải đành đau lòng ra đi, vứt bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn cho bà nội và bác tôi trông coi, còn ông và ba tôi qua Việt Nam lập nghiệp, với niềm hy vọng là sau khi ăn nên, làm ra, sẽ trở về rước bà nội tôi và cả gia đình thân thuộc qua Việt Nam sau. Đó là năm 1946, năm mà ba tôi vừa đúng mười sáu tuổi. Cũng nhờ ơn trên phù hộ hay sao đó mà ông nội và ba tôi đã an cư, lạc nghiệp ở khu phố Ngã Sáu Cây Điệp thuộc vùng Chợ Lớn. Việc làm ăn buôn bán của ông tôi, ngày càng phát đạt, nên ba tôi cũng được sung sướng lây. Ba tôi hằng ngày chỉ lo đi học, và đi chơi. Khi nào kẹt lắm thì mới phụ giúp ông tôi chút đỉnh. Cũng chính vì cái tính thích đi chơi này, mà ba tôi đã gặp lại một số bạn đồng hương với ông cũng đã qua Việt Nam tránh nạn cộng sản như ông. Trong số những người bạn này của ba tôi. Tôi nhớ có một bác mà tôi gọi là bác Lưu (họ Lưu), vẫn hay thường đến nhà tôi chơi, và sau này có một lần bác đến chơi, bác đã mang luôn hai đứa con trai của bác đến. Sau đó bác đã để hai đứa con trai này ở lại nhà tôi luôn, cho ba tôi làm con nuôi.
Nhắc lại chuyện ham đi chơi của ba tôi. Ông nội tôi đã nghĩ ra một cách rất độc đáo để cột chân ba tôi, đó là đã ra quyết định đi cưới vợ cho ba tôi, mà không cần hỏi đến ý kiến của con mình có đồng ý hay không. Người vợ đó chính là người mẹ yêu quý nhất trên đời này của mười chị em chúng tôi sau này. Nghĩ lại cũng hay thật, vì ngày xưa cô dâu và chú rể đâu có quen biết nhau trước đâu, vậy mà những cặp vợ chồng do cha mẹ đôi bên thu xếp, vẫn mặn nồng, chung thủy đến tóc bạc, răng long. Bằng chứng là các bạn hãy nhìn cái đại gia đình của tôi, là các bạn thấy liền. Thật ra tôi có tất cả là mười lăm chị em, nhưng đã có năm người trong chị em chúng tôi, chê trần gian chật hẹp và ô uế, nên đã xin về ở cùng với chúa khi tuổi đời hãy còn nhỏ bé tí tẹo teo. (Xin được nói rõ hơn là người chị cả của tôi, bị tử nạn do việt cộng giật mìn khi về quê ở Ba Tri thăm người thân!)
Sau khi xong việc cưới vợ cho ba tôi. Vào năm 1955, ông tôi vì nhớ bà nội và bác tôi quá, tuy biết rằng nước Trung Hoa lúc đó đã bị bọn Mao Trạch Đông cai trị, việc đi lại không dễ dàng gì, và còn có thể bị nguy hiểm nữa, nhưng ông tôi vẫn không ngần ngại, và đã quyết định về lại quê bên Tàu để đón rước bà và bác tôi sang Việt Nam, để cùng chung sống dưới một mái nhà, trong một đất nước có thể chế tự do, dân chủ. Nhưng than ôi! Lần về thăm lại quê hương đó, là lần đầu và cũng là lần cuối của ông, kể từ khi ông lìa bỏ quê hương ra đi năm 1946. Theo như lời ba tôi kể lại do nghe lại từ những người thân trốn thoát sau này, thì ông nội tôi sau khi về đến quê nhà, đã bị bọn cộng sản Tàu bắt nhốt và mang ra đấu tố. Ông đã bị chúng kêu án và bỏ đói chết trong lao tù. Ông tôi chỉ được uống nước cầm hơi. Sau sáu ngày thì ông tôi đã kiệt sức, và ra đi vĩnh viễn! Tụi cộng sản Tàu nói riêng, và cộng sản trên thế giới nói chung, tất cả bọn chúng đều là một lũ khốn nạn, mất hết nhân tính, ác độc hơn cả loài dã thú. Bọn chúng giết người không gớm tay, thật dã man! Sau này khi tụi tàu cộng mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài (do bị nghèo đói quá mà), tôi có theo ba tôi về Tàu (năm 1994) thăm bác tôi. Tôi có đề cập đến việc ông nội tôi, thì bác tôi không dám trả lời, mà chỉ dám gật đầu (vì sợ có công an chìm nghe được) ra dấu xác nhận việc tôi đề cập là đúng.
Thế là ba tôi bắt buộc phải lo lắng đến chuyện sinh kế vì ông nội tôi đã mất bên Tàu. Ba tôi đã xoay đầu này, trở đầu kia và rồi mọi chuyện cũng tạm qua, sau cùng thì gia đình tôi cũng đã được an cư, lạc nghiệp ở Cam Ranh (đến 1980 thì mọi người đều lìa bỏ quê hương đi tị nạn cộng sản ở nước ngoài, và căn nhà thì để lại cho người em nuôi thứ hai trông coi). Trong khoảng thời gian từ khi ông nội tôi mất năm 1955, cho đến ngày việt cộng cưỡng chiếm miền nam. Những đứa em tôi vẫn được mẹ tôi sản xuất hầu như năm một để tặng ba tôi. Ba tôi được mẹ tôi tặng nhiều con cái quá, nên ông đã có tóc bạc và bị hói đầu khi tuổi đời hãy còn trẻ trung!
Thời gian dần qua, mấy chị em bọn tôi cũng lớn lên theo ngày tháng. Năm tôi lên lớp đệ ngũ, thì gia đình tôi có một sự thay đổi nhỏ. Số là trong khi gia đình tôi có cuộc sống tương đối tạm đủ, thì trái lại, gia đình bác Lưu vẫn tiếp tục xuống dốc một cách thê thảm do làm ăn thua lỗ! Rồi có một hôm bác Lưu từ dưới quê (Năm Căn) lên nhà tôi chơi, có dẫn theo hai người con trai của bác. Sau khi trò chuyện với ba mẹ tôi cũng hơi lâu, bác Lưu từ giã đi về và đã để lại hai người con trai của bác cho ba mẹ tôi (như tôi đã có nhắc sơ qua ở phần trên). Thế là tôi tự nhiên (cái này xem ra còn tự nhiên hơn người Hà Nội nữa) lại có thêm hai thằng em trai (nuôi) nữa! Khi còn tuổi nhỏ, bắt chuyện làm bạn với nhau rất dễ, và nhất là thằng con lớn của bác Lưu, cũng cùng cỡ tuổi với tôi, nên sau một hồi ngượng ngập lúc ban đầu, bọn tôi đã trở thành thân thiện với nhau hơn. Được nước nên tôi lên tiếng hỏi:
- Ê, hai anh em mày là con của bác Lưu, vậy tụi mày tên gì và học lớp mấy rồi?
Thằng con trai lớn của bác Lưu nghe tôi hỏi nên đã lên tiếng trả lời:
- Tao tên Chánh, còn em tao tên Phụ. Tao đã nghỉ học lâu rồi, còn em tao thì vừa nghỉ học một năm nay, do ba mẹ tao không có tiền cho tụi tao đi học tiếp.
Sau khi nghe thằng Chánh trả lời xong, tôi nghĩ ngay đến bác Lưu và cảm thấy bác ấy hay hay làm sao, khi bác đã đặt tên cho thằng con trai lớn là Chánh với ý nghĩ nó là thằng cháu đích tôn chánh hiệu, và thằng em nó tên Phụ nghĩa là cháu nhưng không phải chánh hiệu đích tôn. Đúng là tuổi nhỏ hãy còn lơ tơ mơ, nên tôi đã nghĩ như thế và cảm thấy thích thú với ý nghĩ của mình. Sau đó tôi hỏi tiếp:
- Vậy chứ mày nghỉ lâu rồi, lâu rồi là bao lâu?
- Tao học xong bậc tiểu học là bắt đầu nghỉ luôn.
Ngày đó hãy còn nhỏ, tôi nào có biết thế nào là sự tội nghiệp cho kẻ kém may mắn hơn mình, nên tôi lại cười vui vẻ và nói tiếp với nó:
- Vậy thì sướng quá rồi! Khỏi phải đi học, khỏi phải bị làm bài vở, tha hồ mà đi chơi và lạng quạng lớn làm đại úy nữa đó. Mày có nghe qua câu: Nhỏ mà không học, lớn làm đại úy chưa?
Thằng Chánh nghe xong, chẳng những nó không vui và còn xịu mặt xuống một đống, nhìn tựa như cái bánh bao chiều bị thiu do bán ế, vì nó tưởng tôi chọc và ngạo nó. Sau đó nó bỏ tôi dưới nhà chạy lên lầu một mình, và ở riết trên đó cho đến khi cần xuống để ăn cơm tối. Trong bữa cơm tối ngày hôm ấy, ba tôi đã cho gọi tất cả mọi người trong gia đình, bao gồm luôn hai anh em thằng Chánh xuống cho đông đủ để ăn cơm, và sẳn dịp để ông tuyên bố:
- Các con hãy nghe đây, bác Lưu đã nhờ ba mẹ nuôi giùm hai đứa con của bác, vì gia đình của bác Lưu đang gặp vận xui, làm ăn thua lỗ tùm lum. Từ nay, các con phải xem và đối xử với hai đứa con của bác Lưu, như anh chị em một nhà vậy biết chưa?
Sau khi dứt lời, ba tôi quay sang nhìn hai anh em thằng Chánh, rồi nửa đùa, nửa thật nói tiếp:
- Hai con cứ coi đây như là nhà của hai con, và nếu có có đứa nào dám ăn hiếp hai con, thì hãy nhớ nói cho chú biết, chú sẽ cho đứa đó ăn bánh tét nhân mây đã đời luôn.
Nghe xong câu nói của ba tôi, mọi người đều cùng rộ lên cười. Không khí lúc đó trở nên ấm áp và vui nhộn hơn. Tôi thấy thế nên thừa nước đục thả câu, tôi lên tiếng hỏi ba tôi:
- Ba à, vậy còn cách xưng hô thì sao? Ai lớn hơn ai?
Ba tôi nghe hỏi, nên ông sực nhớ ra và trả lời:
- À, ba cũng quên mất! Thằng Chánh bằng tuổi của con, nhưng nhỏ hơn vài tháng, nên nó phải gọi con bằng anh, còn những đứa khác, ngoại trừ chị con, đều phải gọi là anh Chánh nghe chưa? Còn thằng Phụ thì nhỏ tuổi hơn thằng Đạt, nhưng lớn hơn con Ái các con hãy cứ theo đó mà phân chia ngôi thứ.
Thế là tối hôm đó, đợi đến khi ba mẹ tôi đã đi ngủ, mấy chị em chúng tôi bèn họp lại với nhau để bàn về chuyện gia đình chúng tôi, nay có thêm hai người con trai. Sau một hồi bàn tới, tính lui, tôi lại nảy ra một ý kiến là đặt tên lóng cho hai anh em thằng Chánh. Thế là cả bọn đều nhao nhao lên để đòi đặt tên cho chúng. Tôi thấy ồn ào quá và sợ đánh thức ba mẹ tôi dậy, nên tôi phải lên tiếng:
- Ê, tụi mình phải nói nhỏ thôi, chứ không ba mà thức dậy là ông mang chổi lông gà lên thưởng hết cho cả đám bây giờ.
Nghe đến chổi lông gà là cả đám đều im bớt lại liền, và tôi lên tiếng tiếp:
- Anh em thằng Chánh họ Lưu, vậy bây giờ mình thêm chữ lót là Manh thì sẽ nghe hay lắm đó.
Nghe xong chị tôi và các em tôi đều rú lên cười đồng thanh ủng hộ, ngoại trừ vài đứa em hãy còn nhỏ quá chưa biết gì, thì vẫn giữ im lặng. Tôi lại phải thêm một lần nữa nhắc nhở tất cả phải giữ sao cho nhỏ tiếng thôi. Sau khi thấy tình hình im lặng bớt, tôi mới tự mình vỗ ngực như thể đang đóng tuồng Hồ Quảng trên sân khấu, rồi cất tiếng ngâm:
- Ta đây là anh, nên ta là Lưu Manh Chánh ứ...ự ...ư, còn mi là em, nên mi là Lưu Manh ứ...a... Phụ nghe ... é... ẹ...è… chưa.
Khi tôi vừa dứt lời, thì cả bọn chúng tôi cùng nhau cười rũ rượi như những tên điên. Thế là từ đó, hai đứa em nuôi của tôi có cái biệt danh do tôi đặt ra.
Ngoài chuyện chọc ghẹo vì của tuổi nhỏ hay phá phách của tôi. Mấy chị em chúng tôi đều thương yêu anh em thằng Chánh như là anh em ruột thịt vậy. Ba mẹ tôi thì khỏi phải nói rồi, vì ông bà vẫn luôn xem hai anh em chúng nó như là con đẻ của mình. Mỗi khi mẹ tôi mua cho tôi một cái áo mới, thì thằng Chánh cũng có một cái áo mới như tôi. Ba mẹ tôi đã không có sự phân biệt giữa con đẻ và con nuôi, chỉ có một điều khác biệt giữa chúng tôi và hai anh em thằng Chánh là hai anh em tụi nó không thể tiếp tục đi học do trình độ, và điều kiện tuổi tác đã quá trễ để vào học cho đúng lớp học, cũng như để sau này có thể được hoãn dịch vì lý do học vấn như tôi.
Rồi cứ như thế mà ngày tháng qua đi, chúng tôi lớn dần lên hồi nào cũng không hay. Tôi càng lớn lên, thì càng lêu lổng, hoang đàng và đã làm ba mẹ tôi buồn không ít. Tôi hoang đàng, hư hỏng đến độ những gia đình chung quanh xóm tôi, đều cấm cản những người con gái của họ nói chuyện cùng tôi, dù đó chỉ là một cái gật đầu chào hỏi. Chẳng lẽ họ lại nghĩ rằng bất cứ đứa con gái nào, mà lỡ nói chuyện với tôi, thì coi như chắc sau khi về nhà, đều sẽ bị bịnh sình bụng hay mang ba lô ngược hay sao đây! Về phần tôi, ngày đó tôi đâu có ngán gì về ba cái vụ lẻ tẻ đó, nên khi không thể quen được những cô gái gần nhà, thì tôi đã chịu khó đi quen những cô gái ở hơi xa xóm tôi, và rồi cũng có sao đâu. Giờ nghĩ lại tôi thấy ngày đó quen với những cô gái ở xa, tôi cảm thấy thoải mái hơn là quen những cô ở gần nhà, bởi những người ở xa, sẽ không thấy được những cái xấu xí hằng ngày của mình. Trong khi những em mà ở gần, lỡ hôm nào mình bị ba mẹ dũa thê thảm, mấy em sẽ thấy được, thì mình làm sao còn mặt mũi nào để mà gặp mấy em đây! Phần tôi thì hư hỏng hoang đàng, nhưng ngược lại, thằng Chánh thì lại khác hẳn với tôi hoàn toàn. Tôi càng hoang đàng bao nhiêu, thì nó lại càng hiền bấy nhiêu. Nó hiền đến độ có thể nói gần như là khờ khạo luôn mới đúng. Nó luôn luôn lo việc nhà và giúp đỡ ba mẹ tôi rất đắc lực. Càng lớn, nó càng cao ráo ra. Không mập và không ốm, trông thật vừa người, lại có đôi vai ngang rộng, làm nó trông thật to con. Cái chiều cao của nó cũng chẳng thua gì tôi. Hai đứa tôi cao khoảng 1m72, và ở Việt Nam vào thời đó, ai mà cao từ koảng 1m70 trở lên thì được xếp vào hạng cao rồi. Ngoài ra nó lại có khuôn mặt chữ điền, sóng mũi cao và cặp mắt sắc bén. Cộng thêm đôi lông mày rậm đen, trông nó rất đẹp trai. Tuy nhiên nó lại có cặp môi quá mỏng và hơi bị trề ra phía trước, nên cái vẻ đẹp trai của nó cũng vì thế mà giảm đi ba mươi phần trăm. Chính nó cũng biết về điều nầy, nên vẫn thường lén đi mua thuốc mọc tóc về thoa chung quanh miệng, với niềm hy vọng là râu sẽ mọc ra để che đi bớt phần nào của đôi môi mỏng đó. Mà sao quái lạ thật! Nó càng thoa, thì lại càng tệ hơn! Râu đâu không thấy, mà chỉ thấy loe hoe vài cọng lông măng mọc ở cuối hai bên mép thôi. Tôi vẫn thường hay chọc ghẹo nó về vấn đề này:
- Chánh à, mặt mầy mà để râu thì chỉ có râu cá Chốt mà thôi. Mà cái râu cá Chốt là cái râu mà mình thường hay thấy trong phim tàu, cho những người chuyên môn đóng vai tiểu nhân, nịnh thần hay mấy ông đạo sĩ thúi đó mầy nhớ không?
Cứ mỗi lần nó bị tôi chọc như vậy, nó quê lắm nhưng lại không dám làm gì tôi, và chỉ còn biết lẳng lặng bỏ đi nơi khác mà thôi. Ngày xưa ở nhà, tôi nổi tiếng là hung thần, nên ít có đứa em nào mà dám trả treo lại với tôi.
Thế rồi thời gian lại thấm thoát trôi qua, đến khi tôi và thằng em nuôi cả hai đều được mười bảy tuổi. Thời gian đó tôi vẫn hay dẫn bạn gái về nhà chơi. Thằng Chánh thấy tôi có bạn gái như vậy, nên nó nể và phục tôi lắm. Nó luôn nhìn tôi với cặp mắt đầy sự ngưỡng mộ. Trong khi tôi đã có bạn gái và thay đổi hết em này, qua em khác, thì trái lại, thằng Chánh chẳng quen được một em nào để làm mắm, hoặc để khi trái gió, trở trời còn có em để mà nhờ săn sóc, hay cạo gió v.v.... Thằng Chánh đâu phải là nó không thích con gái đâu. Nó cũng đực rựa như tôi đàng hoàng, chứ nó nào có phải là bóng lại cái, hay xăng pha nhớt gì đâu! Nó cũng bắt chước tôi mặc áo quần theo mốt (mode) này mốt nọ. Tóc tai thì cũng để dài theo kiểu hippy choai choai, và nhứt là cũng biệt ngựa như ai, một ngày soi gương không biết bao nhiêu lần! Nhưng vốn nó bản tính hiền hòa, lại ít khi ra đường tiếp xúc với người ngoài, nên nó dễ hay bị mắc cỡ và nhứt là khi phải đối diện với một người con gái. Mỗi khi mà gặp người con gái nào đó, mặt mày nó đỏ rần lên như con nít bị đau bịnh ban cua vậy đó, và khi nó bước đi thì chân cẳng bị lạng quạng như người say rượu bước cao, bước thấp. Khi mở miệng để nói, thì bị cà lăm và giọng nói ngọng lên, nghịu xuống. Nếu lúc đó ai mà không biết, sẽ dám nghĩ là nó bị bịnh và đang trong thời kỳ tẩu hỏa nhập ma. Trời ơi! Ai đời con trai gì mà khi gặp con gái lại mắc cỡ, cúi đầu chỉ dám nhìn xuống đất. Nói nào ngay, nó chỉ nhìn xuống đất và vân vê những hột nút áo thôi, chứ chưa đến độ vân vê tà áo như mấy nàng con gái. Nghĩ cũng thật là tức cười, người đẹp kia sao không nhìn, mà lại đi nhìn xuống đất? Thế mặt đất có gì đẹp đẽ đâu mà phải đi nhìn? Mà nhìn xuống đất thì làm sao mình biết được mặt của người đẹp trước mặt mình có bao nhiêu cái sẹo, có bị rỗ huê hay bị bịnh lác đồng tiền hay không? Riêng đối với tôi, cái chuyện gặp con gái thì hoàn toàn khác hẳn với nó. Mỗi khi tôi mà gặp con gái đó hén, nhất là con gái đẹp, thì cặp mắt một mí của tôi nó tự động sáng lên như hai cái đèn pha vậy đó. Sáng đến độ mắt một mí thiếu điều xém sáng thành hai mí luôn. Còn cái miệng của tôi thì thôi khỏi phải tả nữa. Nó dẻo đeo còn hơn cả kẹo mạch nha làm ngoài Quảng Ngãi.

Còn tiếp....

Wowang

nguồn
Back to top Go down
https://tiengvietruyenthong.forumotion.com
Admin
Admin



Posts : 178
Join date : 2019-02-13

Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang Empty
PostSubject: Re: Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang   Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang EmptyWed Feb 20, 2019 11:10 am

(Phần II và hết)

Rồi cho đến một hôm, chắc trong lòng thằng Chánh không còn chịu nổi sự cô đơn, buồn tênh do không có cô bạn gái nào để làm mắm, hay để lí le lên mặt với đời. Nó đợi tôi đi chơi về, và khều tôi để rủ tôi cùng lên lầu ra ngoài ban công với nó. Trong lúc đứng nhìn xuống đường nó ấp úng nói với tôi:
- Anh C. em biết anh rất là dạn gái, và tán đào bạo lắm, nên em định nhờ anh chỉ dẫn giúp cho em vài chiêu. Anh làm ơn, làm phước giúp em nha?
Thằng Chánh vừa dứt lời là tôi há miệng và la lên:
- Ối mẹ ơi! Thằng Chánh nó muốn có đào.
Sau đó tôi lại ngưng ngay và nghĩ ra một ý kiến để chọc phá nó chơi. Tôi chậm rãi hỏi lại thằng Chánh:
- Vậy Chánh à, mày phải lòng em nào rồi đây? Có nói chuyện hay chấm mút được tí nào với em ấy chưa?
Nó nghe tôi hỏi thôi mà mặt nó đã đỏ rần lên rồi, và sau đó trả lời với sự mắc cỡ trong đó:
-Chưa anh ơi! Nói chuyện với em còn chưa dám nói nữa, thì làm gì mà có chuyện chấm với mút đây hả anh C.? Cái người mà em để ý là con Liễu thợ may ở sát bên nhà mình đây nè.
Tôi ồ lên rồi hỏi tiếp:
- À thì ra là con Liễu ròm ở kế bên! Thôi được rồi, tao sẽ giúp mày cua nó, nhưng việc trước tiên mày cần phải làm là gởi một lá thư tình đến em, để dò xét xem phản ứng của em như thế nào. Sau đó mình mới biết đường mà tấn công mạnh bạo tới tấp hơn, để cho em hết biết đường mà đi ra luôn biết chưa?
Thằng Chánh nghe tôi bày mưu như vậy, nó khiếp quá và há hốc miệng ra than:
- Trời! Không biết em đó đối với mình như thế nào, mà anh lại kêu em viết thư tình cho nó. Rủi như nó không thích và không nhận thư của em đưa, thì em chỉ còn có nước độn thổ mà trốn thôi!
Thấy thằng Chánh tỏ vẻ lo âu quá nên tôi bèn an ủi nó:
- Ẩy, cái đó mấy đừng lo! Khi viết thư cho nó, ngoài bì thư mầy đừng ghi tên người gởi, và khi đưa thư cho em, mầy nói láo với ẻm là mấy thấy cái là thư này ở dưới đất trước nhà ẻm. Lá thư có đề tên người nhận là Liễu, nên mày có ý tốt lượm lên đưa cho ẻm vậy thôi. Sao mầy thấy cách này hay không?
- Cách này nguy hiểm quá anh C. ơi! Nhỡ như em nói mình không thành thật và nói láo, ẻm ghét mình luôn thì sao?
Tôi nghe xong liền tằng hắng lên giọng thầy đời với nó:
- Mày đúng là một thằng chưa hề có tí kinh nghiệm gì trong tình trường. Mày hãy nghe tao nói nè "Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn nó cũng thành vuông", mày có biết không vậy? Câu đó có ý nói là nếu như con Liễu mà đã có tình ý với mày rồi, thì nó đâu có còn để ý đến mấy cái vụ lẻ tẻ đó nữa chứ! Ngoài ra khi viết thư cho em, mày phải viết cho thật là mùi mẫn, mặn mà hơn là nước mắm nhĩ Phan Thiết nữa, thì thử hỏi con Liễu làm sao mà chạy đàng trời nào cho khỏi nắng được chứ. Mày hãy yên tâm, và làm theo lời tao chỉ đi. Còn nếu mày không thích thì thôi, tao xin chào thua vì tao không còn cách nào hay hơn cách này nữa.
Như tôi đã nói ở phần trên, thằng Chánh coi to con như vậy nhưng vẫn còn khờ khạo lắm! Nó tưởng tôi thật tình giúp nó, nên miệng nó nở một nụ cười và nói vuốt ve tôi, vì nó sợ tôi giận rồi không chịu giúp nó:
- Dạ, anh C. là số một mà, nhắm đâu thì trúng đó, không nghe anh thì còn biết nghe ai nữa bây giờ. Vậy chừng nào thì mình bắt đầu viết thư hả anh?
- Mày muốn ngay bây giờ viết cũng được, nhưng tao phải có thuốc lá vừa hút, vừa phà thì thư tình tao viết mới hay, mới mặn nồng và lãng mạn được; nhưng kẹt là bây giờ tao hết tiền rồi nên không mua thuốc hút được, vậy mày lấy tiền của mày đi mua cho tao gói thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ đi. Tao hứa sẽ đọc cho mày viết là thư thật ướt át, bởi vì khi mà con Liễu, ẻm đọc là thư đó, ẻm sẽ khóc mùi, khóc mẫn làm ướt cả là thư của mày luôn.
Tôi vừa dứt lời thì đã thấy thằng Chánh chạy như bay xuống lầu đi mua cho tôi gói thuốc ngay. Sau khi đi mua thuốc về xong, nó liền đi lấy viết và tờ giấy trắng học trò ra ngồi nơi bàn học, chờ đợi tôi đọc cho nó viết lá thư tình đầu tiên trong cuộc đời của nó. Còn tôi thì vẫn tà tà mở gói thuốc Ruby, rồi từ từ rút ra một điếu đưa lên môi ngậm lại, nhưng chưa chịu đốt lửa liền. Tôi biết là nó đang rất nôn nóng, nên tôi càng cố tình chọc nó, đế nó càng bị lên ruột vì sự chờ đợi. Sau một hồi hơi lâu mà vẫn thấy tôi chưa chịu làm gì cả, thằng Chánh đã hết còn kiên nhẫn, nó đành phải lên tiếng giục tôi một cách khéo léo:
- Em đã xong và sẵn sàng rồi đó anh C. Anh có thể bắt đầu đọc cho em viết bất cứ lúc nào cũng được.
Tôi thấy hành hạ nó bao nhiêu đó cũng đã đủ rồi, nên tôi bắt đầu lên giọng đọc cho nó viết:
“Cam Ranh, ngày x, tháng x, năm x
Kính thưa em Liễu,”
Thằng Chánh nghe tôi đọc, thì bắt đầu cắm cúi viết lia lịa, nhưng khi đến chữ Kính thưa em Liễu thì nó ngừng lại và ngẩng đầu lên nhìn tôi hỏi:
- Ủa sao kỳ vậy anh C.? Mình viết thư cho đào chứ đâu phải cho ba mẹ, hay chú bác gì đâu mà mình phải kính thưa với nó? Sao mình không viết Liễu mến yêu hay gì đó chẳng hạn?
Tôi nghe nó hỏi và sợ nó biết là mình có ý phá nó, nên tôi phải bịa ra chuyện và dùng chiêu "cả vú lấp miệng em" để vừa đe dọa, vừa chê bai nó:
- Chánh à, mày đúng là thằng nhà quê không biết gì hết! Thời buổi bây giờ tụi con gái nó hay kiêu căng lắm. Nếu là thư đầu mà mình không có ý cho nó biết mình kính trọng nó, thì coi như mình sẽ bị cho ra rìa, và trở thành lúa lép luôn. Mai sau này, mày sẽ hết còn hy vọng để mà tán em tiếp nữa đó nghe chưa? Còn nữa, nếu mày không muốn làm theo lời tao nói thì tao đi chơi đây, mày ngồi đó mà lo viết một mình đi nhe.
Thằng Chánh nghe tôi hù đòi bỏ đi, nó hoảng quá nên đành thôi thắc mắc, và bóp bụng tiếp tục viết. Tôi thấy mình được nước nên đọc thêm:
- “Tôi biết là em sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư này, bởi vì tôi và em chưa một lần trò chuyện với nhau, tuy là hai chúng ta sống sát vách với nhau hằng ngày. Hôm nay, tôi đã lấy hết can đảm mà tôi có thể lấy được, để viết lên những dòng chữ này gởi đến em. Trước là để cho em biết rằng tôi đã thương thầm, nhớ trộm đến em hằng đêm (xin thề đứa nào nói láo hộc máu)".
Khi viết đến câu mở ngoặc, đóng ngoăc thề thốt, thằng Chánh dừng lại và ngước lên hỏi tôi:
- Anh C. mình đang viết ngon trớn như vậy, tại sao mình lại phải mở ngoặc, đóng ngoặc thề thốt làm chi vậy anh?
Tôi làm ra vẻ có chút bực tức để trả lời cho nó:
- Mày lại không biết gì nữa rồi chán thiệt! Mình phải thế thốt trong đây là để cho em biết rằng mình là một kẻ luôn nói thật. Một kẻ tuy bình dân, nhưng có giáo dục, không biết nói láo với em là gì. Mày sao hay ưa hỏi lôi thôi quá! Tao quạu rồi đó nhen.
Tôi trả lời như vậy để cho xong chuyện, còn nó có hiểu hay không tôi cũng chẳng cần biết đến, bởi vì gói thuốc lá Ruby Quân Tiếp Vụ đã nằm trong túi áo của tôi rồi mà. Tôi chỉ muốn nó viết cho xong là thư càng nhanh, càng tốt. Tôi muốn trả cái nợ bao thuốc lá mà nó đã mua cho tôi. Tôi lại tiếp tục đọc cho nó viết:
- "Sau là để dò xem tình cảm của em đối với tôi như thế nào? Tôi hy vọng lá thư này sẽ tạo cơ hội dễ dàng cho em và tôi được quen nhau. Tôi thú thật với em là đối với em thì tôi đã "lòng trong như đã, mặt ngoài còn e", nên mới mượn lá thư này làm nhịp cầu tri âm".
Đọc tới đây, tôi dừng lại và hỏi nó:
- Mày thấy sao, như vậy đủ mùi chưa, hay là muốn mùi hơn nữa?
Nó cười cười và trả lời:
- Đương nhiên là muốn mùi hơn nữa rồi anh C. ơi!
Tôi nghe vậy bèn mỉm cười đọc tiếp:
- "Sẵn đây tôi xin kể cho em biết về cái tình yêu tôi đã dành cho em nó đến độ nào! Tôi yêu em nhiều lắm! Nhiều như cá ở dưới biển, như sao ở trên trời. Nhớ em, thì tôi nhớ em như điên, như dại. Cái điên dại nầy còn hơn những cái điên dại của những người điên trong nhà thương điên Biên Hòa đó em! Em biết không? Có những tối không ngủ được vì muỗi cắn, tôi vừa đập muỗi, vừa nghĩ đến em và ao ước phải chi có em bên cạnh, để cùng đập muỗi cho nhau thì sung sướng và hạnh phúc biết là bao."
Tôi đọc đến đây, chính tôi cũng nín cười không được, nên vội vã chạy ra trước ban công để cười tránh cho thằng Chánh thấy. Khi thấy tôi trở vô, nó hỏi tôi đã chạy ra ban công làm gì, và tôi phải nói láo với nó là tôi cần ra ngoài đó để thả bom hơi. Tôi lại tiếp tục đọc cho nó viết tiếp:
- "Vì đây là lá thư đầu, nên tôi không dám viết dài dòng, ngại rằng em cho tôi là kẻ ba hoa, chích chòe thì oan cho tôi lẳm, nên tôi đành để dành những điều tôi còn muốn tâm sự với em cho những lá thư sau. Bảo đảm với em là những lá thư kế tiếp sẽ viết dài hơn. Tôi rất mong thư hồi âm của em từng giây, từng phút, tôi hy vọng là em sẽ ban bố cho tôi một ân huệ to lớn, đó là viết thư hồi âm cho tôi. Cái ân huệ này, tôi xin hứa với em là "Sống thời nhớ mãi, chết thời mang theo". Cuối thư, tôi xin chúc cho em được "trăm năm hạnh phúc"".

Kẻ yêu em nức nở,

Lưu Quang Chánh

Sau khi ký tên xong, nó liền ngước lên nhìn tôi, mà miệng thì lẩm bẩm điều gì đó mà tôi đã không nghe rõ, nên tôi hỏi nó:
- Mày muốn nói cái gì thì nói toẹt mẹ nó ra đi, chứ ở đó mà lẩm bẩm cái gì vậy Chánh?
- Đâu có gì đâu anh, em chỉ hơi thắc mắc là tại sao mình lại đi chúc con Liễu trăm năm hạnh phúc trong thư, trong khi nó đâu có đi lấy chồng, lấy vợ gì đâu?
Tôi giả bộ cười lên to tiếng để che lấp cái sự gạt gẫm của tôi, rồi lên tiếng trả lới cho nó:
- Nữa rồi, mày chính hiệu là con nai vàng đồng quê, hèn gì nhà quê hết chỗ nói luôn! Mày nghe đây nè. Khi mà mình chúc cho em "trăm năm hạnh phúc", có nghĩa là mình chơi trò cao thượng trước với em. Mình muốn cho em biết trước rằng lỡ như nó không thương mình, hay nếu có yêu nhau mà mai sau này duyên hai đứa không thành, em đi lấy chồng khác, thì mày vẫn một lòng mong cho em mãi mãi hạnh phúc bên người chồng, tuy không phải là mày. Mình chứng minh cho em nó thấy rằng. bởi mày yêu thương em quá, nên mày hy sinh giành lấy thương đau, chứ không để cho em bị thương đau. Sao bây giờ mày đã hiểu cái ý cao siêu đó chưa?
Về chuyện tán gái, thì thành thật mà nói người em nuôi tên Chánh của tôi hãy còn non nớt lắm, nên sau khi nghe tôi giải thích xong, không hiểu là nó có tin lời tôi hay không, hay là vì sợ làm tôi phật lòng mà nó đã gật đầu và khen tôi lia lịa:
- Anh C. hay quá đi! Ý tưởng thật là sâu sắc cho nên cái đầu óc cá lóc của em không thể nào hiểu nổi!
- Thôi đủ rồi, bây giờ mầy đi lấy phong bì và nhét cái thơ vô cho ngay ngắn rồi mang qua đưa cho ẻm đi.
Thằng Chánh nghe tôi thúc giục đi giao thơ cho con Liễu, nó sợ xanh mặt luôn nên lên tiếng nhờ vả tôi:
- Hay là anh đi đưa giùm em đi.
- Ý, đâu có được mày! Mày phải đích thân đi đưa cho em, để chứng tỏ với em là nhờ có tình yêu của em, mà mày trở thành can đảm chứ.
- Nói thì nghe dễ, nhưng em vẫn thấy sợ sợ làm sao đâu đó!
- Mày cứ thử một lần đi là mày sẽ hết sợ liền à. Nói xong sợ bị năn nỉ nhờ vả tiếp, nên tôi vội chuồn nhanh xuống lầu đi chơi.

Sau cái ngày chỉ cho thằng Chánh viết lá thư tình, tôi đã quên bẵng nó đi, vì cái chuyện cua con Liễu này không phải là cua cho tôi, nên tôi nào có ý nhớ để làm chi cho chật đầu óc. Rồi chừng khoảng một tuần lễ sau, thằng Chánh đợi sau bữa cơm trưa xong, nó khều khều tay tôi ra dấu hiệu kêu tôi lên lầu cùng nó. Trời ban trưa nắng nóng đến muốn điên người, nhưng vì hiếu kỳ nên tôi cũng đi theo nó lên lầu và ra ngoài ban công đứng cùng nó. Sau khi ngó trước, ngó sau thấy chung quanh không có ai ngoài tôi và nó, nó yên tâm và nói nhỏ cho tôi biết là nó đã nhận được là thư hồi âm của con Liễu. Nó móc trong túi áo ra một phong thư màu xanh dương lợt và đưa cho tôi xem.
Khi cầm là thư của con Liễu trên tay, tôi đã ngửi được cái mùi dầu gió xanh hiệu con Ó trên bì thư ấy. Chắc có lẻ con Liễu phải lén lút cha mẹ nó để viết là thư tình này vào ban đêm, và bị muỗi cắn hay sao đó, mà nó cần phải xức dầu tránh muỗi để rồi vô tình dầu bị dính lên trên bì thư. Thôi thì cái chuyện mùi dầu gió hay dầu hôi gì cũng kệ. Cái mà làm tôi ngạc nhiên nhất, đó là tôi thật tình không thể nào ngờ được là con Liễu sẽ hồi âm cho thằng Chánh, bởi khi tôi giúp nó viết lá thư, tôi đã cố tình chỉ cho nó viết cà rỡn trong thư, để khi con Liễu đọc xong sẽ giận và xù nó luôn. Nhưng ai có ngờ đâu đúng là "Trời đãi kẻ khù khờ", nên thằng Chánh đã được con Liễu viết thư hồi âm.

Lá thư của con Liễu được viết như sau:

" Cam Ranh, ngày x, tháng x, năm x
Anh Chánh thương mến,
Trước hết em xin cám ơn anh đã có lòng thương mến em, nhưng em xin anh kỳ tới mà có viết thư cho em, nhớ đừng có dùng chữ "Kính thưa" trong thư nữa nhé. Chữ kính thưa đó nó làm cho em nghĩ đến một tờ đơn hay tờ văn kiện gì đó hơn là một lá thư tình. Ngoài ra cái việc chúc cho em, anh cũng đừng có chúc tầm bậy, tầm bạ nữa, và nhất là không được thề thốt trong thư! Nhân đây em cũng báo cho anh biết là em cũng mến anh nhiều lắm, nên mới viết thư hồi âm cho anh đây. Đây là lần đầu tiên em viết thư cho một người con trai đó anh Chánh ạ! Nếu có gì thiếu sót, hay viết vụng về quá thì mong anh bỏ qua cho.
Anh Chánh thương mến à! Không phải chỉ có anh là người nghĩ đến em đâu! Trái lại em đây cũng có những lúc thầm nghĩ đến anh vậy, chẳng hạn như bây giờ nè, em vừa viết thư, vừa nghĩ đến anh và ước ao gì nếu có anh bên cạnh để đọc cho anh nghe. Nhưng em cũng xin nhấn mạnh là tuyệt đối em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hai đứa đập muỗi cho nhau. Kể ra thì anh đã có những ý tưởng thật ngộ nghĩnh ghê! Em thích những cái ngộ nghĩnh đó." Đọc đến đây thì tôi kêu trời trong bụng, bởi tôi nghĩ tôi định phá nó, mà ai ngờ nó lại được việc. Tôi lại tiếp tục đọc tiếp là thư.
"Anh Chánh ơi! Em có một việc này muốn yêu cầu anh, đó là anh nhớ đừng cho bất cứ ai đọc là thư này nhé. Em sợ nhỡ có ai biết được chuyện này rồi lan truyền đến tai ba mẹ em, thì em sẽ bị đánh đòn chết đó anh ơi! Thôi, thư em viết đến đây xem như tạm đủ, để anh hiểu về lòng em đối với anh như thế nào rồi nhé. Vậy em xin dừng lại nơi đây và hẹn anh thư sau sẽ viết nhiều hơn. Mong thư anh lắm lắm.
Chúc anh luôn mạnh khỏe và vạn điều như ý.

Em,

Liễu

Đọc xong là thư, tôi đành ú ớ, vì không biết phải nói gì với thằng Chánh đây. Nó thấy tôi im lặng nên nó lên tiếng trước:
- Dạ anh C. anh nghĩ sao về là thư nầy?
Tôi vọt miệng trả lời cho xong chuyện:
- Sao với trăng gì nữa! Nó chịu đèn mày quá trời rồi! mày thấy là thư tao chỉ cho mày viết đó, nó áp phê quá chừng thấy không? Bây giờ mày không nên viết thư cho con Liễu nữa, mà phải hẹn gặp mặt để còn tấn công mạnh với nó.
Thằng Chánh hỏi lại tôi:
- Tấn công mạnh là tấn công làm sao hả anh? Không biết nó có dám hẹn cho mình gặp mặt không đây?
Phần tôi thì đang đứng ngoài nắng nóng dễ nổi quạu, nên tôi sẵn giọng luôn với nó:
- Không cho gặp, mày cũng phải bắt cho gặp. Mày phải làm cho nó nể sợ mấy ngay từ lúc ban đầu mới quen nhau. Có như vậy thì về sau may ra mày mới khá được biết chưa? Mày sẽ không bị con Liễu nó hiếp đáp về sau khi hai đứa cặp nhau. Với lại chỉ thư từ suôn thì mày ăn được cái thứ gì, và làm sao mà đòi chấm mút được đây?
Thằng Chánh la lên:
- Hả! Cái gì! Chấm mút hả, chắc là em không dám đâu anh C. ơi!
- Trời ơi chấm mút trong thời buổi này đâu có nghĩa lý gì đâu mà mày phải sợ nè! Mày thiệt đúng là đồ con gà nuốt dây thun.
Sau khi lên giọng làm thầy đời với thằng Chánh xong, tôi liền bỏ đi ngay vì sợ nó lại năn nỉ chỉ cho nó viết thêm lá thư tình thư nhì, thì kẹt cho tôi lắm.
Thế rồi mọi việc cũng bình thản trôi qua. Tôi quên hẳn đi cái chuyện tình giữa con Liễu và thằng Chánh cho đến một hôm, khi tôi đi chơi về đến nhà gần khoảng mười giờ tối. Lúc tôi bước lên lầu, tôi đã nhìn thấy mấy đứa em tôi đang tụ tập lại một đám, đứng núp phía bên trong đằng sau cánh cửa sổ thông ra ban công. Đứa nào, đứa nấy đều giữ im lặng, và trên gương mặt từng đứa đều hiện lên nếp nhíu mày như là đang rán chăm chú để lắng nghe điều gì đó. Đứa em gái tên Ái của tôi nhìn thấy tôi bèn chạy lại gần nói nhỏ cho tôi biết, và dặn tôi hãy giữ im lặng:
- Anh đứng có ồn nhe, anh Chánh rủ được chị Liễu qua nhà mình chơi, và hiện hai người đang ở ngoài ban công xù xì với nhau đó.
Sau khi được đứa em gái báo cho biết, tôi cũng chạy lại dán sát cái lỗ tai vào phía sau của cánh cửa sổ, để hy vọng nghe được ít nhiều điều vui từ cuộc trò chuyện của hai đứa. Ban đầu thì tôi chỉ nghe được những tiếng xù xì rất nhỏ, chắc do hai đứa hãy còn mắc cỡ chăng? Khoảng chừng 15 phút sau, có lẻ đã quen dần rồi nên tiếng nói của hai đứa cũng bắt đầu to lên từ từ, nên dù có đứng sau phía cánh cửa sổ, chúng tôi vẫn nghe được rõ lắm. Sau khi hai đứa nó nói chuyện trên trời, dưới đất một hồi rồi cũng hết đề tài để mà nói tiếp. Sau cùng sau nhiều phút phút im lặng, thằng Chánh bèn lên tiếng đề nghị với con Liễu:
- Liễu à, hay là bây giờ mình chơi đố nhau đi nhen?
Con Liễu nghe vậy nên đã trả lời bằng một giọng nhỏ nhẹ:
- Dạ anh muốn sao cũng được hết. Em nhường cho anh đố trước đó. À, mà anh nhớ nhen, nếu em trả lời đúng thì anh sẽ thưởng cho em cái gì nè?
Thằng Chánh bị con Liễu hỏi ngược lại về chuyện phần thưởng một cách bất ngờ, nên nó đâm ra á khẩu ú ớ trả lời không được. Đợi khoảng ba mươi giây sau, khi đã lấy lại được bình tĩnh, thằng Chánh mới lên tiếng:
- Nếu em trả lời trúng, thì muốn anh thưởng cái gì cũng được hết.
- Anh nhớ đó nhen không được nuốt lời đó, và bây giờ anh bắt đầu đố em đi.
Thằng Chánh nghe vậy nên bắt đầu suy nghĩ, khoảng độ nửa phút sau nó lên tiếng đố con Liễu:
- Nè Liễu, anh đố em vậy chứ cái quần đùi còn được gọi là quần gì nữa?
Con Liễu nghe thằng Chánh ra câu đố gì mà dễ quá nên nó đáp trả lời lại liền:
- Thì con gọi là quần cụt, quần ngắn chứ quần gì nữa, anh ra câu đố gì mà dễ quá à!
Thằng Chánh mỉm cười và nói:
- Không dễ đâu Liễu ơi, vì câu trả lời của em không đúng.
- Vậy còn có tên gọi là quần sọt nữa nè đúng không anh Chánh?
- Không đúng luôn Liễu ơi!
- Vậy thì quần xà lỏn đúng chưa?
- Cũng sai luôn, vì nếu dễ như vậy thì con nít nó cũng trả lời được rồi.
Thế là con Liễu không còn biết trả lời ra sao nữa, nên đã đứng im lặng mà suy nghĩ. Sau một hồi nghĩ hoài không ra, con Liễu đành lên tiếng chịu thua:
- Thôi em chịu thua rồi anh Chánh ơi! Anh nói cho em biết câu trả lời đi, nó còn được gọi là quần gì?
Được nước thấy con Liễu đã đầu hàng chịu thua, thằng Chánh tằng hắng mấy cái lấy giọng ra điều quan trọng lắm:
- Nè Liễu à, khi con người ta mà bị cụt hai chân, thì được gọi là què, vậy thì khi cái quần dài bị cắt cụt thành quần ngắn, có nghĩa là bị què nên nó còn được gọi là quần què nữa đó.
Phía bên trong nhà, cả đám anh em tụi tôi đứng đằng sau cửa sổ đã không còn nhịn cười được nữa, nên cả đám đã rú lên cười khanh khách như một lũ điên dại. Cái cười của bọn tôi đã làm cho con Liễu và thằng Chánh bị giật mình. Sau đó con Liễu tỏ ra giận dữ và một hai đòi về, dù thằng Chánh đã năn nỉ hết cách cũng không xong. Sau khi đưa con Liễu ra khỏi nhà xong, thằng Chánh trở vô nhà với một gương mặt méo xẹo như thiếu điều muốn khóc luôn vậy đó. Tôi thấy tội nghiệp nên đã lên tiếng an ủi nó:
- Đừng có buồn mày ơi! Cuộc đời mà, không con này, thì mày chài con khác chứ buồn cái con khỉ gì Chánh ơi! Trên đời này còn có nhiều con gái khác lắm mày biết không!
Thằng Chánh nghe tôi nói xong, nó vẫn giữ sự im lặng ra chiều như ta đây đang hưởng cái mùi vị của "thú đau thương" ghê gớm lắm! Sau đó nó lẳng lặng đi lên giường ngủ (mà không biết nó có ngủ được không đây).
Kể từ cái đêm đó, mối tình của thằng em nuôi tôi tan tành theo mây khói. Tôi có hỏi riêng nó là đêm hôm hẹn con Liễu đó, nó có chấm mút được gì không, thì nó cho tôi biết là nó chẳng chấm mút, hôn hít được gì cả, bởi ngay cả cái nắm tay, nắm chân nhau nó còn chưa dám, thì làm sao mà dám toan tính đển chuyện hôn với hít chứ.
Rồi năm 1972, sau cái năm có "Mùa Hè Đỏ Lửa", thằng Chánh không được hoãn dịch vì học vấn như tôi. Ba mẹ tôi lo sợ nó đi lính chết ở chiến trường thì sẽ có lỗi với bác Lưu, nên ba mẹ tôi đã lo cho nó được vô ngành Cảnh Sát Dã Chiến. Sau khi ra trường nó đã được điều về đóng nghe đâu ở Tùng Nghĩa, hay Di Linh gì đó.
Riêng về phần tôi thì cũng đã không gặp lại người em nuôi do tôi đã đi vào Sài Gòn để tiếp tục con đường học vấn. Rồi cuối tháng tư năm 1975 đến, tôi đã theo đoàn người đi tị nạn chính trị qua Mỹ định cư một mình, bỏ lại tất cả những người thân yêu bên quê nhà, trong đó có hai đứa em nuôi là Chánh và Phụ của tôi!

Cuộc sống bên Mỹ này rất bận rộn của những năm đầu hãy còn chân ướt, chân ráo. Vì phải lo kế sinh nhai để tìm sự ổn định trong cuộc sống hằng ngày, nên tôi ít khi viết thư liên lạc với gia đình bên quê nhà. Cũng vì do ít liên lạc, nên sau khi tôi cưới vợ, tôi đã gởi hình về cho gia đình ba mẹ tôi bên Việt Nam để báo cho biết, và tôi đã vô tình quên không hỏi thăm hai đứa em nuôi của tôi về đời sống sau 1975 đã ra sao! Cho đến một hôm sau khi tôi đi làm về đến nhà, mở thùng thư ra xem có bill (tiền lệ phí điện nướcàng tháng phải trả v.v...) nào gởi đến đòi nợ chưa, thì tôi đã thấy có một lá thư đến từ Việt Nam do thằng Chánh gởi sang. Tôi cầm lá thư trên tay mà cảm động đến muốn rơi nước mắt, mặc dù tôi chưa mở lá thư để xem bên trong đã viết những gì!
Sau khi mở và đọc, tôi thấy những điều trong thư thằng Chánh viết, cũng tương tự như những lá thư khác từ Việt Nam gởi sang thôi. Có nghĩa là than thở nào là khổ, nào là thiếu ăn, thiếu mặc v.v... Nhưng ngoài những cái than thở thông thường đó, nó có viết một điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ, đó là đoạn đã viết như sau:
"Anh C. ạ! Nhìn hình đám cưới của anh, em nín cười không được! Anh có biết là tại sao em cười không? Tại vì trong tấm hình chụp lúc anh đi vào nhà thờ để làm lễ cưới. Gương mặt anh lúc đó trông đờ đẫn như người bị bịnh mộng du. Còn tấm hình chụp anh ở trước cửa nhà thờ sau khi làm lễ xong, thì anh lại cười toe toét. Té ra anh đã bị dụ để đút đầu vô tròng cho người đẹp kéo và sai khiến. Thế mà anh vẫn không biết lại còn hớn hở cười toe, cười toét, thiệt là tiếu quá anh C. ơi! Anh hãy coi em nè, bên đây em sống cuộc đời độc thân, nó khỏe làm sao đâu, bởi không bị em nào xiềng xích mình hết và tha hồ "hết con này, mình chài con khác" như ngày xưa anh đã từng nói với em đó. Em nghĩ bên đó chắc bây giờ anh hết còn tuyên bố được như xưa nữa rồi! Vậy anh thấy cái nào sướng hơn hả anh C.? ......"
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn chưa trả lời cho thằng em nuôi của tôi về câu hỏi của nó. Còn các bạn thì sao? Xin cho tôi biết câu trả lời của các bạn nếu có....

Wo Wang California 05/20/1995

Ghi chú:
Bài này được viết lại bằng font chữ Việt, và nhân đó tôi đã có sửa lại chút ít trong câu truyện. Tuy nhiên nội dung thì vẫn hoàn toàn như cũ.

nguồn
Back to top Go down
https://tiengvietruyenthong.forumotion.com
 
Em Nuôi, truyện ngắn của Wowang
Back to top 
Page 1 of 1
 Similar topics
-
» Bên Kia Sông/ Truyện Thạch Lam
» Chó Săn Bowser Truyện thiếu nhi Song Ngữ Anh Việt
» Chị Thỏ Peter. Truyện thiếu nhi song ngữ Việt Anh
» Tàng Ngân Sát Thủ
» Truyện song ngữ Anh Phải Sống. Tác Giả Khái Hưng

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
Phát huy tiếng Việt Truyền Thống :: Thư Viện :: Truyện Ngắn-
Jump to: