Phát huy tiếng Việt Truyền Thống
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.
Phát huy tiếng Việt Truyền Thống

Đón nhận tất cả mọi nhắc nhở, cùng nhau giữ gìn, chấn hưng tiếng Việt. Nhắc nhở nhau về cách sử dụng chữ sai lệch, tối nghĩa, nghèo nàn, lai căng tùy tiện
 
HomeHome  Latest imagesLatest images  SearchSearch  RegisterRegister  Log in  

 

 Hai mặt của việc nói dối

Go down 
AuthorMessage
Admin
Admin



Posts : 178
Join date : 2019-02-13

Hai mặt của việc nói dối Empty
PostSubject: Hai mặt của việc nói dối   Hai mặt của việc nói dối EmptyTue Apr 02, 2019 12:39 pm

Không có gì lạ nếu nghĩ rằng mọi người nói dối là một loại bản năng trời cho. Không ai dám khẳng định mình chưa bao giờ nói dối, hoặc sẽ không bao giờ nói dối. Người ta nói dối hay thiếu thành thật, chỉ là một biểu hiện bình thường để phần lớn những hoạt động xã hội được trôi chảy hơn. Người ta nói dối để giữ sự giao tiếp xã hội bớt căng thẳng và mọi người được vui vẻ thoải mái thêm. Khi xã hội, cộng đồng, tổ chức, công ty, các nhóm người được vui vẻ thì có nhiều điều lợi như tạo nếp sống văn minh, ăn no mặc ấm, có thêm cơ hội gặp gỡ quen biết nhiều, thêm cơ hội làm ăn hợp tác và ca tụng khuyến khích nhau. Do đó nhu cầu nói dối và khả năng nhận diện sự giả dối cũng trở thành yếu tố quan trọng từ lâu trong lịch sử nhân loại. Theo thời gian, sự giả dối càng ngày càng phức tạp, khéo léo và dễ ngụy biện hơn. Khoa học đã chứng minh rằng người ta có thể rèn luyện nhiều kỹ thuật để trở thành người nói dối tài tình và chúng ta cũng có thể học hỏi nhiều kỹ năng để nhận diện sự dối trá quanh mình. Khi người ta nói dối để lường gạt, lừa đảo lòng tin với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, sự giả dối này đã vi phạm pháp luật và đáng bị trừng phạt. Nói dối, giả tạo để gạt lòng tin và tình cảm của người khác, thường có những tác hại khó đo lường. Phần lớn, nói dối là chuyện không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, ta cần phải nghiên cứu về vấn đề nói dối chi tiết hơn.

Em bé chỉ mới sáu tháng đã biết khóc giả dối để đòi sự quan tâm của người lớn. Sinh viên trong 5 lần giao tiếp thường nói dối ít nhất một lần. Người ta nói dối giỏi đến nỗi họ thường nói dối với chính bản thân và thật sự tin tưởng vào sự giả dối đó. Phần chất trắng trong bộ não của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phán đoán, suy luận và có sức ảnh hưởng lớn đến khả năng nói dối của từng người. Phương pháp hay để phát hiện sự giả dối là quan sát ngôn ngữ thân thể và cách chọn lọc chữ khi nói dối. Những kẻ dối trá thường hay sử dụng những chữ như “tin tôi đi”, “thật lòng mà nói”, hoặc là sẽ cố ý tách bản thân mình ra khỏi đề tài, sự việc họ đang đề cập tới. Ngôn ngữ thân thể của kẻ giỏi nói dối thường là những cử chỉ dùng để che đậy những gì họ đang nói, như sự cứng nhắc bất động của phần trên thân thể, nhìn chằm chằm vào đối phương, lắc đầu và cười nhiều. Tóm lại, theo khoa học, nói dối hay nhận diện lời nói giả dối là kỹ năng nhờ tập luyện mà có. Phương pháp để phát hiện sự giả dối là những bí quyết, kinh nghiệm cần thiết để phòng ngừa tội ác và tệ nạn xã hội.

Sự thật là ai cũng thỉnh thoảng đã nói dối dù muốn hay không, với bất cứ lý do gì. Nhiều người nghĩ rằng lời nói dối thiện ý không có hại gì. Tuy nhiên, đôi khi sự tác hại không rõ ràng và không trực tiếp nên khó có thể biện luận rằng lời nói dối thiện ý, có hại hay có lợi ra sao. Theo tôi nghĩ, nói dối là nói dối bất kể lý do, nếu người đó cứ tiếp tục nói dối dù là vô tình hay cố ý, có thiện ý hay không. Tôi cũng như bạn, không phải là thánh nhân hay thiên thần, cũng đã từng nhiều lần nói dối. Bạn có hãnh diện khoe khoang bạn giả dối bao giờ chưa, dù là vô tình hay cố ý.

Nói dối có nhiều dạng và nhiều mức độ khác nhau. Nói dối quá mức là lường gạt, gian manh. Nói dối cho vui miệng là khoác lác, khoe khoang, sạo sự. Nói dối vì muốn cho qua chuyện hoặc để che đậy cái sai, cái lỗi của mình là hèn nhát, hạ tiện. Nói dối vì nể cả, xuề xòa xí xóa là nhu nhược là gió đầu tường. Nói dối để tâng bốc hoặc khen không thật lòng, đôi khi chỉ giúp người ta vui trong chốc lác nhưng cho người ta lòng tự hào hảo huyền đôi khi sẽ thêm nhiều tác hại về sau. Tuy nhiên, những người nhận được những lời nói dối đó, tiếp nhận và phản ứng ra sao, thì sự lợi hại cũng khác nhau.

Nói chung, giáo dục căn bản, nhất là ở Mỹ, luôn luôn nhắc nhở chúng ta không chấp nhận sự giả dối. Muốn sống làm người thẳng thắn, ăn ngay nói thật, cuộc sống sẽ thêm khó khăn, vất vả vô cùng. Người xưa nói “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng có bao nhiêu người vui lòng chấp nhận nghe lời thật mà không suông tai. Tuy nhiên, bạn có vui không nếu phải dối lòng nói những lời giả dối để làm vừa lòng người khác trong khi trong lòng mình không hề nghĩ như vậy. Tôi thì không. Đôi khi tôi vẫn phải luôn nhắc nhở mình phải tập khéo léo, tìm lời nói sao cho họ hiểu mà không thấy lòng tự ái bị tổn thương. Theo góc nhìn tâm lý học, nhiều người thiếu tự tin, thường hay diễn giãi lời nói của bạn theo cách nhìn riêng của họ, thì dù bạn có khéo léo cỡ nào, họ cũng không quan tâm, chỉ lỡ lời một chút là họ có thể nhẩy dựng lên sẵn sàng tử thủ như ai đó đang muốn giết họ không bằng. Do đó, đối với những người bạn thật sự quan tâm, nói thẳng ra để sửa đổi, mặc kệ có mích lòng hay không, là điều cần thiết. Đối với người xa lạ, ta cũng chẳng nên phí hơi suy nghĩ đắn đo làm gì. Ai cũng đã từng có kinh nghiệm nghe những lời thật, thẳng thắn mà chói tai và đau lòng. Bạn tự ái và buồn bã vì những lời nói đó. Nhưng sau một thời gian, khi nhớ lại bạn sẽ thấy được đó là những lời khuyên chân tình khiến bạn để ý cân nhắc hơn về đề tài hoặc sự việc liên quan đến những lời nói ấy. Khi ấy, thuốc mới ngấm và sự thật mích lòng đó mới giã tật, nếu bạn thật sự có lòng cầu tiến và biết học hỏi, lắng nghe.

Nói chung, không ai thích nghe lời giả tạo và nói dối là không thể chấp nhận được. Theo nghiên cứu của trường đại học Quốc Tế Nam California, những người có bệnh nói dối khác với những người nói dối có chủ ý. Thường thì sự nói dối đem đến cho bạn nhiều tai hại hơn là lợi ích. Học hỏi kỹ năng nhận diện sự giả dối không phải là chuyện dễ làm. Những lời nói dối thiện ý hoặc không có ý lường gạt, lừa đảo đôi khi quá lộ liễu, trơ trẽn và chẳng có lợi lộc gì đáng kể, nhưng người ta vẫn thích thú nuôi dưỡng chúng. Trong trường hợp gian lận, lừa đảo, lường gạt thì đôi khi nhà chức trách cần có kỹ năng, kinh nghiệm để nhận diện lời nói dối hoặc đôi khi cần đến các thiết bị chuyên môn để tìm ra sự thật. Trong một bài tiểu luận tựa đề là Sự thật về những lời nói dối và khoa học của sự gian trá, những nhà khoa học đã dùng máy f MRI, tạm dịch là máy rọi theo dõi sự tác động của âm thanh, để đo lường sự tăng cường sự hoạt động của các tế bào thần kinh ở phần não trước, khi người đó nói dối. Mặc dù, kết quả trong phòng thí nghiệm thường chính xác khoảng 85 phần trăm nhưng hiệu quả của việc sử dụng máy f MRI và máy thử đa ảnh ở ngoài phòng thí nghiệm vẫn còn có nhiều nghi vấn.

Trên thực tế, chúng ta được dạy dỗ không được phép nói dối về bất cứ điều gì ngay từ những ngày đầu học nói. Tuy nhiên, trong những mối quan hệ xã hội và những buổi xã giao nghề nghiệp, chúng ta học từ những người cùng trang lứa, cùng ngành nghề và cùng mục tiêu cạnh tranh rằng “sự thật mích lòng” và thành thật là bức cản lớn trên bước đường thăng tiến sự nghiệp hoặc thành công trong xã hội. Bạn đã có bao nhiêu lần gặp rắc rối vì quá cương trực thẳng thắn rồi. Tôi có nhiều kinh nghiệm đau thương không hề muốn nhớ đến, bất kể tôi là người nói thẳng hay là nhận lấy sự thẳng thắn từ ai đó. Thật sự không có ai thích nghe những lời nói thật quá khắt khe hoặc cay đắng. Tuy nhiên, nếu bạn phải lo lắng và cố gắng che dấu sự thật bằng những lời nói dối ngọt ngào giả tạo, thì kết quả chưa hẳn sẽ được tốt đẹp như bạn mong muốn hoặc như người ta thường nói. Có nhiều người cứ tỉnh bơ tiếp tục nói dối vì họ nghĩ nó chẳng có hại gì lớn lao, không ai để ý và lý do gì mà không cứ thử nói dối để cùng tâng bốc lẫn nhau, mọi người đều vui.

Mỗi cấu tạo cơ thể của từng người đều khác nhau, và tế bào thần kinh của chúng ta, có những phần tác động đến lối suy nghĩ và lời nói của mình, và phần trắng của bộ não bạn là phần sẽ có tác động đến việc bạn có nhanh nhẹn khéo léo trong việc bạn có dẽo miệng và nói dối dễ dàng không. Những người thẳng tính cương trực, thì bẩm sinh đã có tánh khí này, kèm theo sự giáo dục về sự thành thật, khiến họ có cách nhìn khác để bảo vệ nhân sinh quan, giá trị quan của riêng mình. Những người không biết nói dối, không biết dùng những lời nói dối thiện ý, không biết nịnh hót a dua, thường sẽ gặp thêm khó khăn trong giao tiếp xã hội và mọi quan hệ giữa người và người. Nhưng không hẳn những người dẽo miệng, khéo ăn khéo nói nhưng giả dối đều dễ dàng được lòng người lâu bền và thành công trong xã hội. Khi bạn che đậy sự thật bằng những lời nói dối giả tạo, bạn phải tiếp tục giả dối mãi để không bị phát hiện và sẽ trở thành người thiếu thành thật lúc nào không hay. Bạn có muốn dạy con bạn nói dối, lừa đảo và gian manh không? Bạn có tự hào vỗ ngực khoe với con cái và gia đình là bạn thành công vì giỏi nói dối không? Bạn có thích người ăn nói tráo trở, nay trắng mai đen, tỉnh bơ không ngượng miệng không? Bạn có muốn người thân, gia đình của bạn ai ai cũng nói dối, giả tạo để vui lòng nhau không? Đôi khi, vì chúng ta lỡ lời, một câu nói thẳng vô tình không có gì là quá đáng, nhưng vì tự ái to bằng trời, họ sẽ làm chuyện nhỏ hóa to và gây ra tranh cãi vô cớ vô ích. Vậy vì muốn tránh những va chạm đó, bạn phải nói dối mọi lúc mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống như vậy có thoải mái và thú vị không?
Sống thành thực và cương trực cũng gặp nhiều căng thẳng quá mức, nhưng thả lỏng xí xóa xuề xòa quá, thì khi người ta phạm lỗi, có ai để ý để mà sửa đổi và làm tốt hơn đâu. Học hỏi dung hòa làm sao để đừng nói dối không ngượng miệng, cũng đừng cương trực thẳng thắn vô ích với những chuyện, những người không liên quan, cũng là một tiến trình cần sự tỉ mỉ, kiên trì và vững tâm đúng mức.

Theo thống kê của American Psychiatric Association's Diagnostic và Statistical Manual of Mental Disorders, ( tạm dịch là Hội Chuẩn bệnh tâm lý học của người Mỹ) người mang bệnh nói dối có nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của họ như bệnh rối loạn nhân cách, tự kỷ, thích đóng tuồng hoặc hoang tưởng. Những người mắc bệnh này thường nói dối một cách bốc đồng và tự tưởng tượng mình thành một nhân vật nào đó không có thật, nhưng lại tin chính vào những lời nói dối của mình. Theo góc nhìn tâm lý học, nguyên nhân của bệnh nói dối rất phức tạp. Nhiều người đơn giản nói dối để che đậy sự xấu hổ hoặc sợ khiến người khác phải đau lòng hay hổ thẹn, hoặc chỉ đơn giản không muốn vấn đề xấu hơn. Những người này nói dối một cách tự nhiên và thường nghĩ rằng lời nói dối thiện ý luôn luôn là điều cần thiết. Tuy nhiên, những người mang bệnh nói dối theo tâm lý học thì khác. Họ nói dối thường xuyên, bốc đồng, khoe khang khoác lác không vì lý do gì và cũng không vì bất cứ lợi ích nào rõ rệt. Những người có tâm lý thiếu cân bằng và mang bệnh nói dối như thế cần phải chữa trị với các phương pháp như gặp cố vấn tâm lý riêng, theo khóa sửa đổi hạnh kiểm hàng ngày, và hiểu rõ sự tai hại về bệnh nói dối của mình.

Nhiều người nói dối, khoác lác vì thói quen xấu, khi lòng tự tin quá kém. Đôi khi những lời nói dối của họ thật nực cười. Tôi tránh nói dối và không thích nghe lời nói giả tạo bất kể vì lý do gì. Khi vì không thể nói thật, chúng ta nên chọn im lặng là tốt nhất. Cuộc sống không thường chấp nhận tất cả sự thành thật để mọi người có thể chung sống hòa đồng, có những mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp tốt hơn, bạn có vui vẻ chấp nhận mọi sự giả tạo quanh mình không? Nói dối, với thiện ý hay không, cũng sẽ tạo thành một thói quen khó sửa và khiến chúng ta phải mang mặt nạ mà sống suốt ngày, suốt đời. Những ai trọng sĩ diện và xem nặng bề ngoài, thường phải sống đời giả dối mọi lúc, mọi nơi.

Không gì tốt bằng được sống cho chính mình, có sao nói vậy, ai thích nghe thì mình nói, không thích nghe thì bớt giao du, chẳng cần phải giả tạo hoài để vừa lòng nhau. Có những chuyện khó nói, nếu im lặng được thì đành phải im lặng. Có những chuyện, khi không nói thật, nói thẳng ra, người ta sẽ tiếp tục lấn lướt và làm khó mình, cần cương trực để bảo vệ mình vẫn phải là điều nên làm. Ngoài xã hội, nếu chúng ta không lên án cái xấu, điều ác, thì xã hội này còn gì là tôn ti trật tự và người ta sẽ dạy nhau nói dối, giả tạo, gạt gẫm lừa đảo, xã hội sẽ tự hủy hoại mình, và chúng ta là một phần của xã hội đó, cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Thành thật thẳng thắn quá đôi khi sẽ tự gây khó khăn cho chính mình. Nhưng giả tạo, gian dối, sẽ được lợi ích lâu dài như thế nào, có ai dám bảo đảm không? Nếu bạn có đủ tự tin, đủ can đảm để bảo vệ nhân sinh quan, giá trị quan của mình, thì bạn không cần thiết phải nói dối, dù là những lời nói dối có thiện ý. Bạn có thể chọn im lặng, nhưng nếu luôn im lặng, bạn sẽ trở thành kẻ hèn nhát, nhu nhược, đồng lõa với sự giả dối. Khéo léo và tôn trọng nhau là điều cần thiết, nhưng sự thành thật và chân thành vẫn là điều tất yếu trong mọi mối liên quan, trong sự giao tiếp giữa người và người.

Donna Mai Hồng Thu
Back to top Go down
https://tiengvietruyenthong.forumotion.com
 
Hai mặt của việc nói dối
Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
Phát huy tiếng Việt Truyền Thống :: Kiến Thức :: Nghệ Thuật Sống-
Jump to: